Đối tượng của cuộc tổng điều tra là tất cả các doanh nghiệp, chi nhánh độc lập của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực thứ hai và thứ ba của nền kinh tế đang hoạt động trong nước. Nội dung chính là tình hình cơ bản, cơ cấu tổ chức, tiền lương nhân viên, năng lực sản xuất, tình hình tài chính, sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ năng lượng, công tác số hóa, giao dịch thương mại điện tử, hoạt động nghiên cứu và phát triển của các đối tượng thuộc diện điều tra. Dự kiến, cuộc tổng điều tra sẽ được tiến hành trong năm 2018.
Nga: Tuân thủ Hiệp ước INF
Nga đang tuân thủ đầy đủ các điều khoản của Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) và dự kiến tiếp tục thực thi thỏa thuận này. Tuyên bố nêu trên được Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đưa ra ngày 9-12 nhằm đáp trả cáo buộc của Mỹ trước đó, cho rằng INF đang bị đe dọa do hoạt động của tên lửa hành trình Nga. Ông Ryabkov nêu rõ, ý đồ của Mỹ đe dọa trừng phạt Nga liên quan những "vi phạm nào đó" đối với hiệp ước INF, thật sự là lố bịch. Hành động của Mỹ có thể cản trở cuộc họp của Ủy ban kiểm soát đặc biệt (JCC), nhằm giám sát việc thực hiện INF giữa Nga và Mỹ. Nhà ngoại giao Nga cũng nêu rõ, Mỹ cần hiểu rằng gây sức ép về kinh tế và quân sự đối với Nga là không có tác dụng.
INF được Liên Xô (trước đây) và Mỹ ký ngày 8-12-1987, có hiệu lực từ ngày 1-6-1988, quy định cấm sản xuất và triển khai các loại tên lửa tầm ngắn (từ 500 đến 1.000 km) và tầm trung (từ 1.000 đến 5.500 km) đặt trên mặt đất. Tổng cộng khi đó Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa, trong khi Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa.
Peru: Điều tra tham nhũng
Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski ngày 9-12 đã lên tiếng thừa nhận từng làm cố vấn tài chính cho một dự án của tập đoàn xây dựng Odebrecht đầy tai tiếng của Brazil, trái với việc ông từng phủ nhận có liên quan tập đoàn này. Văn phòng Tổng thống không đưa thêm bất kỳ bình luận nào theo yêu cầu của báo giới và Tổng thống Kuczynski cũng không cung cấp thêm chi tiết về công việc của mình cho dự án H2Olmost của tập đoàn Odebrecht tại buổi phỏng vấn của đài phát thanh địa phương RPP.
Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối tham nhũng lớn nhất Mỹ Latinh. Tập đoàn này thừa nhận đã chi ít nhất 29 triệu USD để hối lộ nhằm giành được các dự án xây dựng tại Peru trong suốt ba nhiệm kỳ tổng thống gần đây của nước này.
Iran: Có thể khôi phục quan hệ với A-rập Xê-út
Ngày 10-12, Tổng thống Iran Hassan Rouhanikhẳng định, sẵn sàng khôi phục quan hệ với A-rập Xê-út nếu nước này ngừng các chiến dịch không kích tại Yemen và cắt đứt quan hệ với Israel. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani cho biết, hai quốc gia vốn đối địch trong khu vực có thể có "những mối quan hệ hữu hảo" nếu A-rập Xê-út chấm dứt "tình hữu nghị" với Israel và ngừng "những vụ oanh kích phi nhân đạo" tại Yemen.
Giới phân tích cho rằng, Yemen đang là một trong những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa A-rập Xê-út và Iran do hai nước ủng hộ các bên đối địch tại đây. Trong khi đó, A-rập Xê-út cũng duy trì một mối quan hệ phức tạp với Israel. Riyadh không công nhận nhà nước Do thái này, song hai bên duy trì liên minh dựa trên lợi ích chung là đối địch Tehran. Quan hệ giữa A-rập Xê-út và Iran xấu đi từ tháng 1-2016, sau khi người biểu tình Iran tiến công các phái đoàn ngoại giao A-rập Xê-út nhằm đáp trả việc Riyadh hành hình một giáo sĩ nổi tiếng dòng Shiite, dẫn đến việc Riyadh quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.