* Châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu một vòng quay mới
Có vẻ như trong năm 2013 này, châu Á – Thái Bình Dương bước vào mùa mưa bão hơi sớm, khi mà ngay từ đầu năm khu vực đã phải hứng chịu một cơn bão với tên gọi “cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên”. Sức gió mạnh khủng khiếp của cơn bão này đã khiến cho không chỉ toàn bộ khu vực mà thậm chí trên một diện rộng toàn cầu đứng trước tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” suốt trong gần ba tháng. Và ngay sau đó, giống hệt như chịu tác động của “hoàn lưu bão”, một loạt những hoạt động như việc chính quyền Obama tăng cường quân sự tại Đông - Bắc Á, những tranh cãi, va chạm liên quan tới chủ quyền biển, đảo trên biển Hoa Đông và Biển Đông thực sự đã khiến cho tình hình khu vực dần trở nên hết sức căng thẳng.
Nhưng rồi cũng giống như tên gọi “Thái Bình Dương”, bầu trời khu vực bỗng trở nên “nắng đẹp, trời trong”. Tình hình dịu lắng của khu vực không biết có phải do thỏa thuận tiếp tục quá trình thương thảo ASEAN – Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) mới đạt được nhân chuyến viếng thăm một số nước ASEAN hồi đầu tháng 5 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, và quan trọng là thỏa thuận này đã được triển khai đúng lộ trình mà hai phía đã cam kết.
Ngày 14 và 15-9-2013 vừa qua, tại Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đã diễn ra phiên họp quan chức cấp cao (SOM) lần thứ 6 và của nhóm làm việc (cấp chuyên viên – JWG) lần thứ 9 giữa ASEAN và Trung Quốc về COC. Mà cũng có thể còn do cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 (từ 5 đến 6-9-2013). Cho dù chỉ là vài phút trao đổi không chính thức, nhưng đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo này gặp nhau kể từ khi nhậm chức và vì thế nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với khả năng tháo gỡ tình trạng gần như là tồi tệ nhất của mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu tại khu vực. Và rất có thể còn do mọi sự chú ý của hầu hết các quốc gia đang đổ dồn về Syria, nơi đang đứng trước khả năng tái hiện một kịch bản tương tự như ở Iraq 2003. Tuy câu chuyện sử dụng vũ khí hóa học xảy ra ở tận Syria xa xôi nhưng lại đủ lực để khiến cho những cường quốc như Nga, Mỹ và phần nào là cả Trung Quốc, những nước luôn có thể là nguồn cơn của mọi cơn bão chính trị - an ninh của châu Á – Thái Bình Dương, phải tạm gác các vấn đề của khu vực sang một bên.
Tất nhiên, như một lẽ thông thường trong mùa mưa bão, những ngày trời đẹp là rất hiếm, thậm chí đôi khi, đấy có khi lại còn là một dấu hiệu cảnh báo chuẩn bị có một cơn bão mới. Ngay sau khi tình hình Syria có dấu hiệu lắng dịu nhờ sự chấp thuận nhanh chóng của các bên trước đề xuất của Nga về vấn đề vũ khí hóa học của Syria (ngày 9 và 10-9-2013), những dấu hiệu của một cơn bão mới đã lại bắt đầu xuất hiện tại châu Á – Thái Bình Dương.
Bắt đầu từ chuyện chính phủ Nhật Bản tái khẳng định chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhân dịp kỷ niệm một năm quốc hữu hóa quần đảo này. Hơn thế, đại diện của lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) còn thông báo về khả năng chính phủ Nhật sẽ triển khai nhân viên nhà nước đến đóng tại Senkaku. Ngay lập tức, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đáp trả, Trung Quốc “sẽ không dung thứ đối với bất kỳ hành vi khiêu khích nào” và cảnh báo “Tokyo sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 12-9, đã có gặp gỡ giữa các máy bay chiến đấu của Nhật Bản với một máy bay không người lái của Trung Quốc trên không phận gần với vùng biển đang tranh chấp. Căng thẳng Nhật – Trung dần đang quay trở lại.
Từ ngày 9-9, tình hình Philippines bỗng trở nên hết sức căng thẳng bởi việc bùng phát trở lại những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ với các tay súng của Mặt trận giải phóng dân tộc Moro (MNLF). Thành phố lớn miền Nam Zamboanga gần như tê liệt và mãi tới ngày 16-9, quân đội chính phủ mới kiểm soát được hoàn toàn thành phố. Thêm nữa, mối quan hệ Philippines – Trung Quốc cũng bắt đầu nóng lên sau những cáo buộc từ phía Philippines về 75 khối bê tông (mà họ cho là do phía Trung Quốc thả) tại bãi cạn Scarborough. Ngày 10-9, lãnh đạo hải quân Philippines tuyên bố đang đề nghị chính phủ xem xét việc sẽ di dời những khối bê tông này. Nếu chính phủ Philippines chấp thuận đề nghị này thì chắc chắn tình hình tranh chấp giữa hai nước sẽ lại càng phức tạp trong bối cảnh Tòa án quốc tế vẫn xem xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines. Philippines rất có thể lại trở thành một trung tâm của một cơn bão mới tại khu vực, như vốn đã từng xảy ra từ mấy tháng đầu năm nay.
Ngày 9-9, bất chấp những lời đe dọa của đảng cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), Hội đồng Hiến pháp Campuchia vẫn cho công bố kết quả bầu cử Quốc hội khóa V với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Campuchia. Đồng thời, ngày 14-9, dưới sự chủ tọa của Quốc vương Norodom Sihamoni, hai nhà lãnh đạo hai đảng đối lập Hun Sen và Sam Rainsy đã có cuộc trao đổi 30 phút. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 15-9, đảng CNRP đã tổ chức cuộc biểu tình thứ hai với sự tham gia của khoảng 30.000 người tại Công viên Tự do (Phnom Penh) để phản đối kết quả bầu cử. Chưa biết hậu quả của những cuộc xuống đường do đảng CNRP khởi xướng sẽ ra sao, nhưng Bộ giáo dục Campuchia đã phải cho dời ngày thi (theo dự định là ngày 16 và 17-9) tốt nghiệp trung học cơ sở sang tận ngày 26 và 27-9. Cùng với việc phát hiện ra hai khối chất nố đặt đối diện tòa nhà Quốc hội trước đó, hôm 13-9, tình hình Campuchia thời hậu bầu cử đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn. Sự căng thẳng sau bầu cử nếu cứ tiếp tục kéo dài tất sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của đất nước Chùa Tháp.
Những bất ổn ở Philippines và Campuchia rất có thể sẽ mau chóng tác động đến những hoạt động của ASEAN, trước hết có thể làm gián đoạn lộ trình thành lập các Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là, với những cơn bão thông thường do thiên nhiên tạo ra, chúng ta chỉ biết gồng người lên để khắc phục một cách thụ động. Còn với những cơn bão chính trị-an ninh là do chính con người làm ra, vì thế chúng ta có thể chủ động khắc phục. Tình hình châu Á – Thái Bình Dương lại tiếp tục có những dấu hiệu căng thẳng phần nhiều vẫn chỉ vì xoay quanh câu chuyện lợi ích của mỗi nước.
Cách thức tháo gỡ vấn đề Syria vừa qua đã đem đến cho các nước trong khu vực những bài học quan trọng. Điều đầu tiên cần nhận thức được mức độ nguy hiểm của những dấu hiệu trên đây, bởi nếu để chúng phát triển và nhất là khi đã lây lan thì chắc chắn sẽ rất khó giải quyết. Cũng giống như trong việc phòng chống bão, cần có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên. Sự chia sẻ và cao hơn là sự hợp tác cũng là điều hết sức cần thiết trong quá trình giải quyết các vấn đề của khu vực, kể cả những vấn đề nan giải như tranh chấp biên giới, lãnh thổ.
Dẫu châu Á – Thái Bình Dương là nơi nhiều bão tố, song lịch sử loài người đã chứng minh, đoàn kết là điều kiện tối quan trọng để con người có thể vượt qua mọi bão giông.