Thời gian của những cuộc mặc cả

|

NDO - NDĐT - Trong tuần qua, cộng đồng quốc tế được chứng kiến một nghịch lý hy hữu:trong khi Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia đã từng là đối thủ và hiện vẫn còn đầy rẫy những nghi kỵ, đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nhằm hạn chế căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước theo nguyên tắc “kiềm chế tối đa”, thì cả Tổng thống Pháp Francois Hollande lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel đều phải gọi điện cho Tổng thống Mỹ B. Obama – đồng minh truyền thống chí ít là từ sau Thế chiến II đến nay, để đòi hỏi “một lời giải thích toàn diện và ngay lập tức” từ người đồng cấp về những thôn

Hai sự kiện phản ánh hai nội dung hoàn toàn khác biệt – hòa dịu ở Nam Á đối lập với căng thẳng ở châu Âu. Mặt khác, rõ ràng hai bức tranh này lại có quá nhiều những điểm chung như: tuy hoàn toàn tương phản song đều có chung một tông màu chủ đạo là niềm tin; chúng diễn ra trong cùng một thời gian và cùng trong một bối cảnh là tất cả các bên liên quan vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu; đặc biệt là đều có những kẽ hở từ chính những tin tức mà giới truyền thông các nước đang truyền tải v.v. Chính vì thế, tuy biết sẽ khó tránh khỏi có thể bị đánh giá là quá gượng ép, nhưng người viết vẫn muốn gắn kết hai sự kiện này lại với nhau bởi sức ép từ một mong muốn có một bức tranh hoàn chỉnh và sáng rõ hơn.

Kể từ hồi tháng 6-2013, thời điểm xuất hiện “vụ Snowden”, theo từng thời điểm đăng tải những tiết lộ của nhân viên tình báo này nước Mỹ lại phải lo che chắn búa rìu dự luận. Những lần trước đó, chính phủ Obama chủ yếu phải đối mặt với sự phẫn nộ của người dân Mỹ trước việc đời sống riêng tư của họ bị theo dõi tràn lan. Tuy nhiên, sự vụ lần này có vẻ “nghiêm trọng” hơn nhiều bởi những cáo buộc liên quan đến việc NSA tiến hành các vụ nghe lén điện thoại của 35 nhà lãnh đạo các nước, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như là Pháp và Đức. Thậm chí, tờ báo Tấm gương của Đức (Der Spiegel) còn đưa tin điện thoại của bà Merkel đã bị phía Mỹ nghe lén từ năm 2002. Những hoạt động này của NSA đương nhiên làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín nước Mỹ, như bà Merkel bày tỏ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama “do thám bạn bè là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Những thông tin về hoạt động do thám của NSA đối với một số nhà lãnh đạo EU ngay lập tức được bổ sung vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU (24 và 25-10-2013). Trong bầu không khí sôi sục đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với dự luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân trong khối, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014. Nếu tính thêm cả vụ Ả Rập Xê-út, ngay sau khi tuyên bố (ngày 17-10-2013) từ chối đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2004-2005, đã phát đi tín hiệu đe “sẽ có thay đổi lớn” trong quan hệ với Mỹ bởi thái độ “thiếu quyết đoán” của chính quyền Obama trong cuộc xung đột Syria, thì có cảm giác nước Mỹ đang bị các đồng minh đánh “hội đồng”.

Mặc dù vậy, sự căng thẳng trên trong quan hệ Mỹ với các đồng minh vẫn có vẻ giống với một vở kịch nhiều hơn.

Thứ nhất, vụ việc trở nên ầm ĩ, thậm chí có vẻ ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu là do sự “tích cực quá mức” của giới truyền thông các nước châu Âu (không biết có phải họ được giao nhiệm vụ hay tự thấy phải có trách nhiệm làm vậy), bởi bản thân những nhà lãnh đạo của cả hai phía lại có thái độ rất kiềm chế. Điều này cũng chẳng có gì lạ bởi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ với EU hay Mỹ với Ả Rập Xê-út đủ chặt chẽ để khiến các bên tự biết độ dừng.

Đơn cử như trong quan hệ Mỹ - EU, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất và cân bằng nhất của EU. Trong bối cảnh hai bên đều đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng trao đổi thương mại hai chiều năm 2011 là 449 tỷ euro và năm 2012 tăng lên là 646 tỷ euro. Năm 2012, Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất của EU với 99 tỷ euro, chiếm 66% tổng số vốn FDI vào EU, riêng dòng vốn nước ngoài trực tiếp giữa hai bờ Đại Tây Dương đã lên tới 1.000 tỷ USD. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đều khẳng định, khu vực mậu dịch tự do Mỹ - EU (phiên đàm phán đầu tiên về TTTP đã bắt đầu hồi tháng 7 vừa qua tại Brussels) hiện là cứu cánh quan trọng nhất giúp cả hai thoát khỏi khủng hoảng.

Thứ hai, tuy sự vụ ồn ào như vậy nhưng thực ra giới truyền thông châu Âu cũng không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục về các hoạt động do thám của NSA. Những thông tin mà E. Snowden tiết lộ khiến người ta suy đoán nhiều hơn là bằng chứng. Bởi lẽ, nếu nhân viên tình báo này nắm giữ (được cho là còn tới hơn 30.000 trang tài liệu) những thông tin quan trọng đe dọa tới uy tín cũng như lợi ích của nước Mỹ đến vậy có lẽ chính phủ Mỹ đã không cư xử như kiểu “bỏ quên” với anh ta như vậy. Các vụ đột kích của quân đội Mỹ vào Pakistan để tiêu diệt O. Bin Laden (tháng 5-2011) hay vào Libya để bắt giữ thủ lĩnh Al Qaeda Abu Anas al-Libi (4-10-2013) là minh chứng cho khả năng làm khác đi với Snowden của Mỹ. Hơn thế, chuyện do thám lẫn nhau có lẽ là câu chuyện quá đỗi bình thường trong đời sống quốc tế, sự khác nhau chỉ là mức độ và trình độ mà thôi.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa Mỹ với các đồng minh luôn có, thậm chí có lúc hết sức găy gắt như trong quan hệ Pháp – Mỹ thời Tổng thống Charles De Gaulle thập kỷ 60 (thế kỷ 20), trong suốt chặng đường tồn tại và phát triển các mối quan hệ đồng minh này. Sự gắn kết giữa họ có lẽ chủ yếu dựa trên sự đồng dạng về lợi ích hơn là niềm tin, trước hết là sự gắn bó về kinh tế. Chính nhân tố kinh tế đã khiến De Gaulle dù lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam (tuyên bố Phnom Penh ngày 1-9-1966) nhưng cũng khẳng định ông chưa bao giờ có ý định từ bỏ quan hệ đồng minh với Mỹ.

Vậy thì điều gì khiến các nước EU phải làm cho tình hình trở nên căng thẳng như vậy. Chắc chắn đầu tiên phải là do vấn đề thể diện. Cho dù mới chỉ là những thông tin suy đoán, nhưng đương nhiên các nhà lãnh đạo EU cũng cảm thấy bị xúc phạm, và cho dù họ có thể kìm nén thì cũng buộc phải làm vậy trước sức ép của công luận. Nhưng có lẽ việc coi sự vụ là cơ hội để các đồng minh có thể giảm bớt quyền lực của Mỹ mới là nguyên nhân chủ đạo. Chí ít thì sự vụ này rõ ràng là một trợ lực bổ sung cho EU trong quá trình đàm phán về việc thành lập khu vực mậu dịch tự do EU – Mỹ. Một sự mặc cả của EU nhiều hơn là chống đối.

Trên nhiều phương diện, Ấn Độ và Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn của nhau hơn là đối tác tại châu Á. Ngược với quan hệ Mỹ - EU, sự gắn kết, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc là hết sức lệch lạc. Trong năm 2012, Ấn Độ thâm hụt tới 40,77 tỷ USD trong 67,87 tỷ USD tổng kim ngạch trao đổi thương mại. Thêm vào đó, từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, những tranh chấp lãnh thổ luôn tồn tại âm ỉ, hễ có cơ hội là lại bùng phát (như vụ dựng trại của đôi bên tại thung lũng Lakdakh hồi giũa tháng 4-2013). Chính vì thế, thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới được ký hôm 23-10 nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Manmohan Singh được cho là sự thay đổi quan trọng theo hướng hòa dịu của hai cường quốc đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, những chuyển động cùng lúc trong quan hệ Ấn – Nga –Trung lại cho thấy sự thay đổi trong quan hệ Ấn – Trung dường như cũng mang nhiều màu sắc của một cuộc mặc cả nhiều hơn. Trước khi sang Bắc Kinh, Thủ tướng M. Singh đã qua thăm Moscow (từ ngày 20 đến 22-10), và tại đây để khẳng định quan hệ Ấn – Nga là quan hệ “đối tác chiến lược ưu tiên đặc biệt”, đôi bên đã ký một số thỏa thuận quan trọng về hợp tác năng lượng hạt nhân, về trao đổi công nghệ quốc phòng v.v. Cùng thời điểm này, Thủ tướng Nga Medvedev lại tới thăm Bắc Kinh, và đạt được một hợp đồng cung cấp dầu thô kỷ lục cho Trung Quốc trị giá 85 tỷ USD trong vòng 10 năm, bắt đầu từ năm 2014. Có thể Nga là một tác nhân quan trọng dẫn đến thỏa thuận Ấn – Trung, nhưng có lẽ trên hết, cả hai bên đều cần có một không gian tạm ổn định để thực hiện các mục tiêu, trước hết là mục tiêu phát triển. Những thỏa thuận mà cả hai vừa đạt được trong tuần qua phần nào phản ánh sự khác biệt giữa các mục tiêu của đôi bên, và điều này lý giải tại sao thỏa thuận Ấn – Trung lại chỉ khoanh vùng tại biên giới.

Vậy thì phải chăng “thời gian dành cho các cuộc mặc cả” chính là thông điệp mà bức tranh trên muốn gửi đến chúng ta?