Hệ luỵ của khủng hoảng

|

NDO - NDĐT- Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang lên đến đỉnh. Tuần qua, việc Mỹ đưa tàu khu trục, điều tiểu đoàn hóa học 23 (chuyên xử lý các vụ tấn công hạt nhân) đến Hàn Quốc hay việc chính phủ Triều Tiên khuyến cáo các đại diện ngoại giao tại nước này nên có kế hoạch sơ tán nhân viên v.v., đang đẩy tình hình đến cái ngưỡng của sự chịu đựng.

Hơi nóng của một cuộc chiến tranh tại đây làm lu mờ các cuộc giao tranh tại Syria hay nghị quyết có tính lịch sử của Liên Hợp Quốc về kiểm soát vũ khí thông thường.

Điều đáng ngạc nhiên là trước bầu không khí nóng bỏng này, rất nhiều chính khách (thậm chí ở Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản) cũng như các chuyên gia vẫn bảo lưu ý kiến rằng sẽ không thể nổ ra một cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân. Họ viện dẫn ra rất nhiều lý do hết sức hợp lý, đặc biệt là nhận thức của các bên liên quan trực tiếp, như chính phủ Triều Tiên, về hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến tranh (nếu nó xảy ra)...

Cũng như những lần khủng hoảng trước trên bán đảo Triều Tiên, vào thời điểm hiện tại, tất cả chắc đều đang cầu mong cho nhận định này là đúng và chờ đợi thời khắc các bên chấp nhận “xuống thang”. Một phương án thật tuyệt vời cho tất cả.

Nếu đúng như vậy, thì những hệ lụy của cuộc khủng hoảng lần này mới là điều phải khiến cho cộng đồng quốc tế phải đau đầu.

Trước hết, sự nghi kỵ trong quan hệ giữa các bên chắc chắn sẽ không được giải tỏa mà thậm chí còn trở nên sâu sắc hơn. Thỏa hiệp nhằm giảm thiểu rủi ro có thể dẫn tới chiến tranh là kết quả của việc một (hoặc cả hai) trong các bên như Triều Tiên, Mỹ hay Hàn Quốc chấp nhận nhượng bộ (có lẽ phần nhiều do lo ngại hậu quả của cuộc chiến hoặc phải chịu sức ép của cộng đồng quốc tế (đừng hy vọng có một lời xin lỗi từ bất kể bên nào). Bầu không khí thù địch tạm lắng xuống, thể diện của các bên được bảo toàn nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Bởi các mục tiêu chiến lược mà các bên đặt ra khó có thể thực hiện được do chúng có tính đối kháng cao. Chính phủ Triều Tiên muốn duy trì vũ khí hạt nhân và có một hiệp định hòa bình. Người Mỹ lại coi việc loại bỏ khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên là điều kiện tiên quyết cho một cam kết hòa bình. Trong cuộc khủng hoảng lần này, các bên đã công khai rất rõ ràng địa chỉ mà chính sách thù địch của họ hướng tới, và cũng vì lẽ đó việc tạo dựng lòng tin đối với nhau ngày càng trở nên xa vời hơn. Sau cuộc khủng hoảng, tình trạng “không có chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình” sẽ không bị xóa bỏ và đó lại là điều kiện lý tưởng cho sự nghi kỵ tiếp tục phát triển.

Thứ hai, kết quả của cuộc khủng hoảng rất dễ dẫn đến một thói quen nguy hiểm: sử dụng chiêu bài “bên miệng hố chiến tranh” để đạt được mục đích. Trên thực tế, đây đã là lần thứ tám, tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” đã xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Trước đây, mỗi một cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đều được coi là kết quả tất yếu của một quá trình phát triển có tính logic từ những hoạt động của cả hai phía. Những cuộc tập trận Mỹ - Hàn, cho dù là thường niên, nhưng vẫn luôn đặt Triều Tiên trong tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng lần này, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, cả Triều Tiên lẫn Mỹ và Hàn Quốc đều sử dụng tối đa con bài “nguy cơ chiến tranh”. Cả hai vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động quân sự cho dù đều hiểu mức độ nguy hiểm nếu để tình trạng căng thẳng leo thang tới chiến tranh. Tại thời điểm hiện tại, chắc chắn sẽ không một bên nào chịu xuống thang nếu không đạt được điều gì đó. Thỏa hiệp đạt được có thể sẽ là liều thuốc kích thích cả đôi bên tiếp tục nuôi dưỡng cho những hoạt động khiêu khích lần sau. Nguy hiểm hơn, nó có thể được sử dụng thường xuyên hơn trong đời sống quốc tế. Hiện nay, có quá nhiều điểm nóng trên thế giới hội tụ đủ các điều kiện để sử dụng chiêu bài này, điển hình như tại Trung Đông.

Thứ ba, cách thức xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên của Liên Hợp Quốc cũng rất cần phải xem xét. Từ sau khi chính phủ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ nhất (tháng 10-2006) đến nay, Liên Hợp Quốc đã sử dụng một cách thức duy nhất đó là đưa ra các biện pháp trừng phạt. Liên Hợp Quốc đã chẳng có sự thay đổi nào sau những thất bại của các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên 1695, 1718 (năm 2006) và 1874 (năm 2009) của Hội Đồng Bảo An. Chính vì thế, khi mà nghị quyết 2094 (3-2013, nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba), giống như những lần trước đó, cũng không đem lại bất cứ hiệu quả nào, thậm chí còn bị coi là cái cớ đẩy chính phủ Triều Tiên vào trạng thái kích động hiện nay, có thể là giọt nước tràn ly đối với LHQ?

Rồi đây, nếu LHQ thay đổi theo hướng đã từng xử lý vấn đề Lybia (nghị quyết 1973 về việc thiết lập vùng cấm bay đồng thời mở đường cho các cuộc không kích của NATO vào Lybia) thì thật đáng lo ngại. Hy vọng LHQ sẽ điều chỉnh theo hướng tôn trọng lợi ích của tất cả các bên, trong trường hợp này, trước hết là là Triều Tiên. Tất nhiên, LHQ cũng rất khó đạt được đồng thuận bởi sự khác biệt lợi ích của nhiều bên liên quan. Chính sự “tiến thoái lưỡng nan” này của LHQ, khiến người ta hết sức quan ngại tới khả năng những biện pháp tới đây của tổ chức uy quyền nhất thế giới này sẽ trở nên “vô hại”. Hiện tượng “nhờn thuốc” LHQ tại các điểm nóng là hệ lụy rất đáng quan ngại.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng Triều Tiên lần này cũng đang làm ló dạng những nguy cơ dẫn đến các cuộc khủng hoảng “liên đới”. Tuyên bố: “Anh từ bỏ tàu ngầm trang bị hạt nhân là dại dột”, của thủ tướng Anh David Cameron có thể là bắt đầu của một giai đoạn phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt mới. Các cường quốc hạt nhân còn ứng xử như vậy thì làm sao các nước nhỏ đang phát triển có thể yên tâm được. Việc gia hạn thêm hai năm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của chính phủ Shinzo Abe (ngày 5-4-2013) có thể không có gì mới, nhưng trong bối cảnh hiện tại trên bán đảo Triều Tiên nó lại có thể mở ra một cuộc khủng hoảng tiếp theo vì các lý do kinh tế