Thất vọng tột cùng

|

NDO - NDĐT-Cuộc nội chiến gần 20 tháng qua đã nhấn chìm Syria trong khói lửa, chết chóc, thành một trong những điểm nóng nhất tại Trung Đông. Cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều cố gắng tháo gỡ vấn đề Syria, tuy nhiên, mọi thử nghiệm vẫn chưa hé một kết quả khả quan nào.

Chính vì vậy, khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập, ông Lakhdar Brahimi thông báo, đã đạt được một thỏa thuận với hai bên giao tranh tại Syria về một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 26 đến 29-10 (tức là đúng vào dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo), thực sự đã thắp sáng lên một hy vọng mới trong cộng đồng quốc tế. Dù thỏa thuận này hết sức ngắn ngủi, nhưng tất cả vẫn kỳ vọng đây có thể là điểm khởi đầu cho một tiến trình mới giúp tháo gỡ vấn đề Syria trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng giống như hồi tháng 4, khi một lệnh ngừng bắn tương tự đã được công bố theo gợi ý trong chương trình sáu điểm của đặc phái viên Koffi Annan, tuyên bố của Brahimi – người thay thế ông Annan, cũng mau chóng bị phá vỡ ngay trong ngày đầu tiên. Chỉ trong vòng hai ngày 26 và 27-10, theo thông báo của Tổ chức theo dõi nhân quyền tại Syria, đã có tới 47 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ với các nhóm chống đối tại nhiều thành phố trên khắp đất nước Syria. Thực tế nghiệt ngã này khiến cho những người có tư tưởng lạc quan nhất về tình hình Syria cũng cảm thấy chán nản.

Liệu có còn chỗ cho một giải pháp hòa bình khi mà dường như các phe phái tại Syria trở nên cực đoan tới mức không còn đếm xỉa gì đến mạng sống của đồng bào của chính họ?

Sự thất vọng trước hết đến từ chính tình hình nội bộ của Syria. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được đúng vào dịp thánh lễ Eid al-Adha (còn gọi là Lễ tế sinh), có thể cũng vì dịp thánh lễ mà người ta có thể thỏa thuận được. Thánh lễ Eid al-Adha là một trong hai kỳ lễ rất quan trọng trong năm kéo dài ba ngày và được người Hồi giáo trên toàn thế giới tổ chức nhằm tôn vinh sự hy sinh (theo truyền thống của Đạo Hồi, thánh lễ Eid al-Adha bắt nguồn từ việc nhà tiên tri Abraham sẵn lòng hiến tế con trai Ismael cho Thánh Allah). Cũng trong thời gian này, các tín đồ Hồi giáo sẽ gác lại tất cả phiền muộn, hận thù để hành hương về thánh địa Mecca (Saudi Arabia). Vậy mà nhiều tín đồ Hồi giáo tại Syria vẫn tiếp tục các cuộc bắn giết. Bất chấp cả những nghi lễ bắt buộc của chính tín ngưỡng mà họ theo đuổi có lẽ đã không còn là điều gì mới lạ đối với các nhóm hồi giáo cực đoan.

Ý nghĩa linh thiêng của tín ngưỡng không còn tác dụng với một số kẻ chủ chiến thì giao tranh vẫn tiếp diễn là điều khó tránh khỏi. Theo đặc phái viên Brahimi, trước khi thỏa thuận ngừng bắn, cả hai bên là quân đội chính phủ và quân đội tự do Syria (FSA) – lực lượng chủ yếu của phe nổi dậy, đều bảo lưu quyền đáp trả nếu các vụ tấn công vẫn xảy ra. Trong khi đó, nhiều nhóm nổi dậy, tiêu biểu như nhóm “Hồi giáo Ansar Al Islam” hay “Mặt trận al-Nusra” v.v. đã không chấp nhận thỏa thuận này vì họ cho rằng đây chỉ là thỏa thuận riêng rẽ giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với FSA. Điều này cho thấy, tính phức tạp trong nội bộ phe nổi dậy chắc chắn sẽ còn cản trở việc hiện thực hóa bất cứ một thỏa thuận hòa bình nào.

Sự chán nản còn đến từ bên ngoài Syria. Mâu thuẫn lợi ích giữa các bên liên quan, trước hết là giữa Nga và các nước phương Tây, góp phần không nhỏ đẩy cuộc chiến này vào tình trạng bế tắc. Lẽ ra, sự ra đi của Đặc phái viên Koffi Annan, với lý do HĐBA không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria, phải là tiếng chuông cảnh tỉnh các nước lớn thỏa hiệp để tìm ra một hướng đi hợp lý. Thực tế xảy ra lại không như vậy.

Trong cả hai lần “khẩu chiến” tranh cử tổng thống Mỹ 2012 hôm 16 và 22-10, ứng cử viên đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney đều phê phán mạnh mẽ “những phản ứng yếu ớt” của chính quyền tổng thống Obama đối với chính phủ Syria. Ông Romney khẳng định, nếu thắng cử, ông sẽ cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy nhiều hơn mà không cần phân biệt giữa các phe, nhóm nổi dậy, miễn là họ chống lại chính quyền Bashar al-Assad.

Cùng lúc đó, ngày 17-10, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban về hợp tác kỹ thuật – quân sự, tổng thống Putin tuyên bố: “Bất kỳ ai cũng không có quyền ra lệnh cho Nga phải buôn bán vũ khí như thế nào. Nga sẵn sàng và có quyền cũng cấp vũ khí và các trang thiết bị quân sự chỉ với những chính quyền hợp pháp và chỉ để đảm bảo nền quốc phòng của các quốc gia chủ quyền” và “chỉ có những biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ mới có thể coi là cơ sở để hạn chế việc cung cấp vũ khí”.

Tuy đây là quan điểm chung của nước Nga về vấn đề buôn bán vũ khí trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong thời điểm hiện tại, nó thực sự như một thông điệp cứng rắn nhằm đáp trả những cáo buộc phiến diện của Mỹ và Tây Âu khi họ cho rằng, việc Nga cung cấp vũ khí cho chính quyền Syria là nguyên nhân dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài (chứ không phải phương Tây).

Tranh luận bất tận giữa các nhà cung cấp vũ khí cho các bên Syria chỉ khiến cho cộng đồng quốc tế đi đến một kết luận khó cưỡng rằng, sẽ còn có những thỏa thuận ngừng bắn như vừa xảy ra, nhưng rồi tình hình Syria cũng sẽ khó thay đổi trong một sớm một chiều.

Một điều nan giải nữa là quá trình tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề Syria trong suốt thời gian qua đều diễn ra trong tình trạng thiếu những thông tin rõ ràng, chính xác về tình hình này. Khi những thông tin về “con bệnh” còn ở trong tình trạng mờ mịt như vậy thì dù là một bác sĩ tài ba đến đâu cũng khó có thể đưa ra được những liệu pháp chữa trị hiệu quả.

Có thể có nhiều câu hỏi tại sao, nhưng có một điều dễ hiểu: sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn tại Syria ngay trong ngày đầu tiên đã giúp chúng ta hiểu rõ thêm được quyết định từ chức Đặc phái viên của cựu TKT LHQ, ông Koffi Annan.