Dư chấn Doping Lance Amstrong

|

NDO - NDĐT- Vụ án “lừa dối thế kỷ” của Lance Amstrong do chính tay đua này thừa nhận trên truyền hình hôm 18-1 khiến cả thế giới một lần nữa sửng sốt khi nhận ra rằng, lòng tin cũng có thể trở thành điều dễ dàng bị lợi dụng nhất. Từ câu chuyện của “kẻ lừa dối siêu đẳng” Lance Amstrong trong làng thể thao, soi chiếu vào đời sống quan hệ quốc tế, có thật nhiều điều đáng để chúng ta cùng suy ngẫm.

Cuộc phỏng vấn Lance Amstrong, tay đua được coi là vĩ đại nhất trong làng đua xe thế giới với 7 chức vô địch Tour de France, trên kênh truyền hình CBS do nữ hoàng talk show Oprah Winfrey đích thân thực hiện tối 18-1 đã gây nên một cú sốc không chỉ đối với riêng làng đua xe đạp thế giới mà có lẽ tới nhiều lĩnh vực xã hội hiện đại. Đây là lần đầu tiên một vụ án sử dụng chất cấm trong thể thao (doping) được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Hơn thế, đây cũng còn được coi là vụ án “lừa dối thế kỷ” của một huyền thoại sống làng thể thao thế giới.

Chương trình truyền hình “Chương trình doping chuyên nghiệp, tinh vi và thành công nhất trong lịch sử thể thao” của CBS có thể sẽ góp phần khép lại vụ án gây ầm ĩ trong suốt hơn một năm qua (tháng 10-2011, Cục Phòng chống doping Mỹ (USADA) công bố một bản tường trình chi tiết, ghi lại lời khai của hàng chục người, khẳng định Armstrong đã sử dụng doping trong suốt giai đoạn 1999 – 2005), nhưng đồng thời cũng mở ra rất nhiều suy tư cho cộng đồng quốc tế trong tương lại.

Lời thú tội công khai của Lance Amstrong đã chỉ ra ít nhất một số vấn đề liên quan tới cuộc chiến chống doping hiện nay, cụ thể là:

Thứ nhất, sở dĩ các liên đoàn thể thao thế giới phải đưa ra một danh mục chất cấm (doping) là vì chính sức khỏe của vận động viên. Hơn thế, việc cấm sử dụng doping còn muốn hướng tới sự trung thực: thành tích mà vận động viên đạt được phải dựa vào thực lực và sự khổ luyện của chính họ;

Thứ hai, hầu hết các vụ vi phạm doping đều xuất phát từ tham vọng thành tích của đủ mọi thành phần tham gia vào hoạt động thể thao, từ vận động viên, các nhà quản lý, các bác sỹ v.v.;

Thứ ba, khi mà việc cấm sử dụng doping đã trở thành quy chuẩn pháp lý quốc tế thì tất yếu nảy sinh việc lợi dụng chúng như một công cụ nhằm triệt hạ đối thủ để đạt được tham vọng của mình;

Thứ tư, trong so sánh với các lĩnh vực khác (đơn cử như với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc), các cơ chế quốc tế trong lĩnh vực thể thao có quyền tài phán có thể coi là mạnh nhất (thí dụ điển hình như quyền áp đặt của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) lên các Liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên). Tuy nhiên, việc Armstrong sử dụng doping trong suốt hơn 15 năm và trở thành tay đua vĩ đại nhất (7 lần vô địch) của giải đấu danh giá Tour de France cho thấy những hạn chế của Liên đoàn đua xe (UCI) và rộng ra là của hầu hết các tổ chức quản lý khác trong lĩnh vực thể thao. Điều này là khó tránh khỏi bởi hầu hết các tổ chức này thường bị coi là “các công ty tổ chức biểu diễn” với mục tiêu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.

Lẽ tất nhiên là mọi sự so sánh đều có những bất cập, nhưng nếu chúng ta nhìn vào tất cả những quy chuẩn pháp lý quốc tế hiện hành, tiêu biểu là Hiến chương Liên Hợp Quốc, thì chúng cũng có thể coi là một danh mục “cấm” bởi mục tiêu hướng tới việc đảm bảo cuộc sống của mỗi con người trên Trái đất này. Vụ việc doping của Armstrong chỉ ra rằng, đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần có sự nhìn nhận mới đối với việc thực thi các quy chuẩn quốc tế: Hãy coi sự vi phạm luật quốc tế hay lợi dụng nó cho những mục tiêu cá nhân như một kiểu sử dụng doping.

Cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 của chính quyền G. Bush có thể coi là một thí dụ tiêu biểu. Theo những hình thái khác nhau nhưng cả hai tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đều bị vi phạm: i/ Nguyên tắc “Tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thành viên LHQ và ii/ Nguyên tắc “Cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (trong trường hợp của Iraq là vũ khí hạt nhân).

Trước hết, chính quyền Bush đã lấy lý do “nhà nước Iraq của Sadam Hussein đang tàng trữ vũ khí hạt nhân” để phát động cuộc tấn công xâm lược. Việc Mỹ sử dụng vũ lực để giải quyết “câu chuyện Iraq” rõ ràng đã vi phạm thô bạo nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền”. Trong suốt bẩy năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, quân đội Mỹ cũng không tìm thấy bất cứ một dấu vết nào của sự tàng trữ vũ khí hạt nhân. Điều này chứng tỏ chính quyền Bush đã lợi dụng nguyên tắc “cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” để nhằm đạt được mục tiêu lật đổ chế độ Sadam.

Điều đáng bàn là vào năm 2010, khi những bằng chứng được trình lên Quốc hội Mỹ về những thông tin sai sự thật về “câu chuyện Iraq” thì đã chẳng có bất cứ một lời xin lỗi nào được đưa ra của ê kíp đã tạo ra cuộc chiến tranh. Việc sử dụng doping của Armstrong chỉ đem đến những thiệt hại về vật chất (những khoản tiền cho các danh hiệu v.v.) và gây tổn thương tình cảm cho những ai tôn thờ thần tượng này. Nhưng sự lừa dối trong cuộc chiến tranh Iraq đã khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng (chỉ tính riêng số lính Mỹ chết trong thời gian 2003 – 2010 đã gần 5000). Điều trớ trêu hơn nữa là đã chẳng có một cơ quan nào của Mỹ hay một tổ chức quốc tế đứng ra xử lý vụ việc này.

Theo chỉ dẫn của ví dụ nêu trên thì rõ ràng, chúng ta có thể liệt kê ra rất nhiều các trường hợp sử dụng doping với đủ mọi hình thức trong đời sống chính trị quốc tế, điển hình nhất là việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Chắc nhiều người sẽ cho rằng, đời sống chính trị không thể như thể thao. Nhưng xét cho cùng, hai vụ việc này vẫn có những điểm chung vì đều liên quan tới vận mạng của con người. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại doping này chính là việc sử dụng nó trong lĩnh vực chính trị chưa thể “cấm” quyết liệt mà thôi, và vì thế, loại bỏ chúng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Lời giải thích lý do thú tội của Lance Armstrong: “Chính những đứa con đã khiến tôi không thể tiếp tục lừa dối (trong dịp lễ Giáng sinh, Armstrong đã thú nhận với cậu con trai 13 tuổi và hai bé gái sinh đôi 11 tuổi). Bọn trẻ không đáng phải sống với điều này trong đời chúng”, chắc sẽ góp phần cảnh tỉnh những ý tưởng sử dụng doping.