Mặt trái của hệ thống “Cân bằng và Kiểm soát”

|

NDO - NDĐT-Trong lịch sử nhân loại, nếu thuyết “Tam quyền phân lập” của Montesquieu (1689 – 1775) được coi là một phát kiến vĩ đại trong chính trị học thì những nhà sáng lập nước Mỹ đã góp phần làm cho thuyết này được nâng lên một tầm cao mới “tới mức hoàn mỹ”.

Từ sau các cuộc cách mạng tư sản (Thế kỷ 17-18) cho đến ngày nay, hầu hết các nước ở châu Âu đều lựa chọn mô hình của Montesquieu với ba nhánh quyền lực độc lập là Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp để xây dựng hệ thống chính trị của mình. Ngày nay, mô hình tam quyền phân lập đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chỉ duy nhất ở Mỹ, mô hình của Montesquieu được bổ sung thêm nguyên tắc “Quyền lực kiềm chế quyền lực”, vì thế hệ thống chính trị Mỹ thường được gọi với cái tên là hệ thống “Cân bằng và kiểm soát” (Check and Balance).

Thực tế lịch sử hơn 200 năm phát triển của nước Mỹ đã minh chứng cho tính ưu việt của mô hình “cân bằng và kiểm soát”. Theo nguyên tắc này, cho dù đã được phân quyền, nhưng quyết định của mỗi nhóm quyền lực muốn có hiệu lực với xã hội, nó cần được sự ủng hộ của các nhánh quyền lực khác. Ví dụ về quyền phủ quyết của Tổng thống: một dự luật dù đã được thông qua tại Quốc hội nhưng nó vẫn chưa thể thành luật nếu Tổng thống chưa phê duyệt (Điều I, Khoản 7 Hiến pháp Mỹ). Ngược lại, Quốc hội cũng có quyền phủ quyết, đơn cử như trong quyết định dự toán ngân sách của ngành hành pháp (Điều I, Khoản 8, Điểm 1 Hiến pháp Mỹ): mọi khoản chi ngân sách nhà nước Mỹ, cho dù dự toán là do bên hành pháp soạn thảo và đệ trình đều do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật. Về phần mình, tuy không có những điều khoản cụ thể nhưng chính quy định Hiến pháp là đạo luật tối cao của nước Mỹ đã trở thành chỗ dựa để ngành tư pháp có thể kiểm soát hành vi của Quốc hội hay Tổng thống (có tính hợp hiến hay không).

Xét cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, đúng là mô hình “cân bằng và kiểm soát” đã giúp hạn chế rất nhiều những hoạt động có tính lạm quyền hay vi hiến của các nhánh quyền lực, qua đó buộc các cơ quan quyền lực luôn phải thể hiện trách nhiệm ở mức cao nhất có thể. Trường hợp bãi miễn trước thời hạn đối với Tổng thống R. Nixon năm 1974 (còn gọi là vụ “Watergate”) hay buộc Tổng thống B. Clinton phải điều trần trước Hạ viện năm 1998 (vụ “Lewinski”) có thể coi là những minh chứng điển hình cho tính tích cực của hệ thống “cân bằng và kiểm soát”. Tại châu Âu, quê hương của thuyết tam quyền phân lập, sau những biến cố chính trị, nhất là từ cuối thập kỷ 80 (Thế kỷ 20) đến nay, do xung đột giữa các nhánh quyền lực của nhà nước, phần lớn là tình trạng tổng thống lạm quyền tới mức sẵn sàng phế bỏ hoặc yêu cầu bầu cử quốc hội sớm, các nước châu Âu đều thấy tính ưu việt và có vẻ đang có những cải cách chính trị, tuy ở những mức độ khác nhau, theo mô hình “cân bằng và kiểm soát” của Mỹ.

Chính sự ca tụng của thế giới về mô hình “cân bằng và kiểm soát” khiến dần hình thành một mặc định “ta luôn đúng” trong tư duy của người Mỹ, và nó được đẩy lên tới đỉnh điểm qua việc phổ biến rộng rãi trong xã hội Mỹ cái gọi là chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ (Exceptionalism of America).

Nhưng mô hình này cũng dần trở thành môi trường tốt nuôi dưỡng những hạn chế mà chưa chắc các hệ thống tam quyền phân lập bình thường đã có hoặc chí ít không đủ điều kiện để phát tác.

Một trong số đó là việc hệ thống “cân bằng và kiểm soát” đã khiến cuộc đấu đá nghị trường ở Mỹ trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Mỹ. Sự đối lập giữa các nghị sỹ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ hay giữa Tổng thống và Quốc hội dường như là một điều không thể thiếu khi đề cập tới chính trường Mỹ. Tranh luận nghị trường giúp cho những nhà làm chính sách có được sự lựa chọn trong cái nhìn đa chiều, nhưng cũng có thể làm cho các thiết chế quyền lực tê liệt hoặc phản ứng chậm chạp. Điều này cũng chẳng khác là bao với thói quen sở hữu súng đạn của người Mỹ vậy. Tuy nhiên, mọi những ý định phê phán, chỉ trích mô hình này đều trở nên lạc lõng, thiếu tính thuyết phục trong một xã hội mà tính tự mãn quá cao ngự trị.

Điều này lại càng được thể hiện rõ nét qua đời sống chính trị của nước Mỹ trong hai tuần qua. Sau khi vở bi hài kịch “đóng cửa chính phủ Mỹ” và “nước Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ trong gang tấc” kết thúc thì mọi sự bức xúc, chỉ trích đều dồn hết vào tính bảo thủ của những nghị sỹ Cộng hòa, có một phần nào đó là cuộc đấu đá giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Phần đông đều lên án hai đảng cầm quyền đã đặt lợi ích của họ lên trên quyền lợi của các cử tri đã bầu ra họ v.v.

Đáng tiếc là có quá ít ý kiến về sự cần thiết phải xem xét nghiêm túc tổng thể mô hình “cân bằng và kiểm soát”. Nếu vấn đề này được nêu ra vào thời điểm năm 1995-1996, khi đó chính phủ Mỹ cũng phải tạm ngưng hoạt động, thì đúng là sẽ chẳng khiến rất ít người quan tâm. Nhưng khác với những lần trước đó, chính những khác biệt của vụ việc đóng cửa chính phủ lần thứ 18 này đang chỉ rõ những khiếm khuyết của hệ thống “cân bằng và kiểm soát”.

Thứ nhất, cuộc chiến giữa Hạ viện và Tổng thống lần này, thực chất vẫn là cuộc đấu đá muôn thuở giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, găy gắt hơn và chỉ có thể kết thúc khi chính các nghị sỹ Cộng hòa chấp nhận thất bại. Sở dĩ như vậy là bởi cả hai phía đều tận dụng triệt để “quyền kiểm soát” (theo đúng quy định của Hiến pháp) để phục vụ cho cuộc chiến. Điều đáng nói là việc tăng ngân sách hay nới lỏng trần nợ công là không thể nào khác trong bối cảnh hiện tại của nước Mỹ. Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hòa lại đã sử dụng điều hiển nhiên này chỉ để chống lại việc thực thi một đạo luật có ảnh hưởng tới họ - đạo luật cải cách y tế (Obamacare). Cũng cần phải nhấn mạnh đến tính thuyết phục của đạo luật Obamacare bởi sẽ đem đến cho hơn 30 triệu người lao động thu nhập thấp quyền được hưởng bảo hiểm y tế. Cứ giả sử là các nghị sỹ Cộng hòa sai trong tình huống này, như lời thú nhận của thượng nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa John McCain, vậy thì hệ thống “cân bằng và kiểm soát” sẽ phải sửa sai ra sao? Cũng may là cuộc chiến chỉ kéo dài 16 ngày (nhưng con số thiệt hại đơn thuần đã lên tới 24 tỷ USD!), nhưng tất cả đều dự báo sẽ còn nhiều cuộc chiến tương tự ở phía trước trong triều đại của Obama.

Thứ hai, trong các tình huống mà thời gian không phải là đòi hỏi gắt gao thì hệ thống “cân bằng và kiểm soát” chưa bị nghi vấn nhiều. Từ sau khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, do thiếu hụt các nguồn tài chính nên nước Mỹ luôn phải đối mặt với vấn đề vách đá tài khóa. Vào thời điểm 17-10-2013, chính phủ Mỹ cần đưa ra quyết định thật nhanh về ngân sách tài khóa để tránh tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Chính hệ thống “cân bằng và kiểm soát” đã khiến cho quyết định này không thể đáp ứng đòi hỏi về thời gian, bởi như trên đã đề cập nó lại tạo điều kiện cho các bên kéo dài cuộc mặc cả. Sự chậm trễ này khiến ngoài những thiệt hại về tài chính, nước Mỹ đang phải đối mặt với việc giảm sút uy tín, đặc biệt là với những nước đang sở hữu một số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ (Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất với khoảng 2400 tỷ USD trái phiếu).

Cuối cùng, chính thái độ kiên quyết không chịu nhượng bộ của Tổng thống Obama cho thấy, phải chăng với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại IMF ông cũng đã nhìn ra những vấn đề của hệ thống “cân bằng và kiểm soát”. Nếu đúng vậy, thì rất có thể Tổng thống đã sử dụng cuộc đấu Cộng hòa – Dân chủ lần này như là một cơ hội để người dân Mỹ nhìn rõ hơn hệ thống “cân bằng và kiểm soát” đang được ca tụng.

Người bên ngoài nước Mỹ dường như nhìn ra vấn đề nhanh hơn. Ngay sau khi vấn đề tài khóa của chính phủ Mỹ được tháo gỡ, từ giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde đến chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim đều lên tiếng kêu gọi Mỹ phải chấn chỉnh lại những rắc rối do hệ thống này gây ra.

Tất nhiên, chẳng có mô hình nào là hoàn hảo, bởi ngoài việc nó là sản phẩm của con người (mà nhân vô thập toàn) thì còn phụ thuộc vào thời gian (bởi vật đổi sao dời). Vấn đề là con người có chịu thay đổi cải tạo nó không mà thôi.