Điều đặc biệt mang tên Hugo Chavez

|

NDO - NDĐT-Dù đã biết trước cái kết của căn bệnh ung thư, nhưng sự ra đi của Tổng thống Hugo Chavez (ngày 5-3-2013) vẫn để lại những hụt hẫng cho cộng đồng quốc tế, từ những người yêu mến đến những kẻ luôn chỉ trích ông.

Hơn chục năm trở lại đây, dưới sự lãnh đạo của Hugo Chavez, vị Tổng thống được mệnh danh là “Người phát ngôn cho những kẻ nghèo hèn”, Venezuela – một đất nước Mỹ Latinh nhỏ bé (diện tích 912 nghìn Km2, với số dân chỉ khoảng 28 triệu) bỗng trở thành một thế lực đặc biệt vươn xa ra khỏi cả khu vực Mỹ Latinh. Đi đầu trong phong trào cánh tả Mỹ Latinh trong suốt hơn thập kỷ qua, Hugo Chavez được coi là vị lãnh tụ kiệt xuất nhất của khu vực sau thế hệ Jose Marti, Che Guevara, Simone Bolivar, Phidel Castro. Chính sau sự ra đi của tổng thống Hugo Chavez, người ta mới càng nhận thấy rõ hơn tầm ảnh hưởng to lớn của ông đối với đời sống quốc tế - đơn giản bởi những gì mà ông đã để lại cho nhân loại.

Khi lên nắm quyền năm 1999, “gia tài” mà Tổng thống Hugo Chavez được thừa hưởng là một đất nước Venezuela (cũng giống như nhiều nước Mỹ Latinh khác) tràn ngập nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, kinh tế kém phát triển v.v.. Vậy mà chỉ chưa đầy một thập kỷ, trong một bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp, ông đã tạo dựng cho Venezuela một vị thế mới, buộc cả thế giới phải quan tâm tới quốc gia đang phát triển này, xét trên cả phương diện đối nội lẫn đối ngoại. Đấy cũng chính là điều mà người viết muốn được cùng bạn đọc suy ngẫm trong khuôn khổ hạn hẹp của bài báo.

Chương trình cải cách được tiến hành tại Venezuela trong hơn thập kỷ qua chắc chắn sẽ là yếu tố đầu tiên tạo dựng nên câu chuyện đặc biệt của Hugo Chavez. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, hiếm có mô hình phát triển nào thu hút được sự chú ý cũng như có được rất nhiều đánh giá đa chiều như mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của Tổng thống Hugo Chavez. Sự đặc biệt của H. Chavez nằm ở tính kiên định, nhất quán theo đuổi định hướng “vì người nghèo” trong quá trình xây dựng mọi chính sách, dù ông biết chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, trước hết là từ chính một bộ phận đồng bào mình. Trong hơn 10 năm cầm quyền, H. Chavez đã đứng vững dù phải trải qua 14 lần bầu cử, điều trần, trưng cầu dân ý, bỏ phiếu tín nhiệm. Sự ủng hộ của số đông quần chúng lao động vừa là động lực vừa là nguyên nhân tạo dựng lên niềm tin và thành công của Chavez.

Venezuela trở thành hạt nhân của các liên kết không chỉ tại Mỹ Latinh mà còn ở nhóm
các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).

Tuy vẫn đang có những đánh giá trái chiều về “mô hình Chavez”, nhưng rõ ràng những thành công trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, khám chữa bệnh miễn phí, phổ cập giáo dục v.v. của Venezuela là điều mà bất cứ một chính phủ nào hiện nay, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, đều muốn hướng tới.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2004 đến 2011, tỉ lệ người Venezuela sống dưới mức nghèo khổ đã giảm từ 62% xuống còn 29%; số người cực nghèo giảm 70%, tỉ lệ người đói đã giảm 75%; và lần đầu tiên trong lịch sử Venezuela, hơn 90% dân số đã được ăn ba bữa mỗi ngày. Hơn thế nữa, chính sách ưu tiên giáo dục đặc biệt khi dành 20% ngân sách cho giáo dục, miễn giảm học phí v.v., đã giúp Venezuela xóa được nạn mù chữ. Cũng trong giai đoạn này, số lượng người vào đại học tăng gấp đôi và hàng triệu người dân có cơ hội được chăm sóc y tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ tổng thống H.Chavez có thể thực hiện được chương trình cải cách “đặc biệt” này là vì Venezuela sở hữu nguồn dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều đó không sai, nhưng sự khác biệt của H. Chavez nằm ở chỗ cách thức phân phối nguồn lợi thu từ dầu lửa.

Trong gần 14 năm cầm quyền của H. Chavez, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ở Venezuela đã có chuyển biến đáng kinh ngạc. Căn cứ vào hệ số Gini, phân phối thu nhập ở nước này hiện đang được đánh giá là công bằng nhất Mỹ Latinh.

Đương nhiên, những lỗ hổng trong chương trình của Chavez là khó tránh khỏi như thâm hụt tài chính gần 20% GDP hàng năm, nợ nước ngoài hơn 90 tỷ USD, sự mất cân đối của nền kinh tế v.v. và đặc biệt, hầu như chưa có một cải cách thể chế chính trị đáng kể nào. Có thể do thời gian hoặc các nguồn lực còn hạn chế, mô hình CNXH thế kỷ 21 của H. Chavez chủ yếu mới chỉ kịp tập trung vào việc thay đổi hình thức phân bổ của cải. Chính những hạn chế này cũng góp phần tạo nên sự đặc biệt của mô hình CNXH thế kỷ 21.

Chính sách đối ngoại của tổng thống H. Chavez cũng tạo nên những điều thật khác thường. Nếu căn cứ vào số lượng các bài phát biểu hoặc sự mạnh bạo thì H. Chavez có thể coi là nhà lãnh đạo chống Mỹ quyết liệt nhất thời hậu Chiến tranh lạnh. Điển hình như việc ông lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Tổng thống G. Bush tại nhiều diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc hay MECOSOUR. Cùng với vũ khí dầu lửa, tiêu chí “chống Mỹ” là nền tảng định hình nên chính sách đối ngoại của H. Chavez đồng thời cũng giúp ông tập hợp được nhiều đồng minh, Venezuela trở thành hạt nhân của các liên kết không chỉ tại Mỹ Latinh mà còn ở nhóm các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Mặt khác, trong quan hệ với Mỹ H. Chavez không phải là con người cực đoan. Venezuela vẫn là nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu vào Mỹ (đứng thứ 4 và trong giai đoạn 1999 – 2011 xuất khẩu dầu lửa vào Mỹ đã đem về cho ngân sách Venezuela gần 350 tỷ USD). Điều này cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của H. Chavez về đời sống quốc tế đương đại.

Trong quan hệ với các nước Mỹ Latinh lại càng chứng tỏ sự đặc biệt của H. Chavez. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mà cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên quyết liệt thì sự chia ngọt sẻ bùi sẽ trở nên một xa vời trong quan hệ quốc tế. Vậy mà Tổng thống H. Chavez đã chứng minh được rằng vẫn có thể xây dựng những mối quan hệ “đồng cam cộng khổ”. Venezuela cung cấp cho Cuba gần như toàn bộ nhu cầu dầu lửa (90 nghìn thùng dầu mỗi ngày) với giá ưu đãi như một dạng viện trợ. Về phần mình, Cuba cung cấp cho Venezuela một số lượng bác sỹ (30 nghìn) đủ để tổng thống Chavez có thể thực hiện được giấc mơ “người nghèo cũng có quyền tiếp cận y tế”. Chính cách ứng xử như vậy đã giúp H. Chavez trở thành lãnh tụ của Mỹ Latinh, giúp ông thực hiện giấc mơ “cách mạng Bolivar” trong khu vực.

Những việc làm của H. Chavez khiến chúng ta liên tưởng tới Lothar Metternich, một nhà chính trị vĩ đại thế kỷ 19. Ông đã tạo dựng lên cái gọi là “Mạng nhện Metternich” (một mạng lưới quan hệ chằng chịt với nước Áo là trung tâm), công cụ đã giúp nước Áo – một quốc gia nhỏ bé, có được một vị thế quan trọng bên cạnh các cường quốc tại châu Âu.

Như vậy, chắc chắn rồi đây, người ta sẽ vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu những di sản của Hugo Chavez.